Nhiều nhà đầu tư tại TP.HCM đang nóng lòng chờ đợi thành phố và các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… sớm thống nhất phương án đi lại với những điều kiện dễ dàng hơn để quay trở lại tìm kiếm đầu tư bất động sản. Đặc biệt với phân khúc đất nền vùng ven.
Nhiều nhà đầu tư bất động sản chuẩn bị đi săn đất
Tâm lý chờ đợi của các nhà đầu tư là dễ hiểu sau nhiều tháng liền phải bó chân khi TP.HCM và các địa phương lân cận thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh Covid – 19.
Anh Thông (ngụ TP. Thủ Đức) cho biết, hiện đang bỏ trong tài khoản ngân hàng hơn 1 tỉ đồng. Đây là số tiền anh dự định sẽ mua đất ở Chơn Thành, Bình Phước nhưng chưa kịp làm gì thì bị phong toả do dịch bệnh.
Số tiền gửi ngân hàng lãi suất không đáng bao nhiêu càng khiến anh Thông sốt ruột. Vậy nên, dù giãn cách không đi lại được anh vẫn mạnh dạn nhờ môi giới quen đặt cọc lô đất trên.
Anh Thông cho rằng, dù có chút ít rủi ro nhưng nếu không quyết đoán thì sẽ mất cơ hội bởi sau dịch khả năng sốt đất sẽ xảy ra do ai cũng có tâm lý muốn mua đất sau nhiều tháng bị kìm hãm.
Cũng tâm trạng háo hức là nhóm đầu tư của chị Trang (ngụ quận Bình Thạnh). Nhà đầu tư này cho biết thời điểm trước dịch nhóm của chị gần như đều đi săn đất mỗi dịp cuối tuần.
Thị trường mà nhóm đầu tư này chú trọng là đất nền các tỉnh Long An, Bình Dương và Bình Phước nơi còn nhiều tiềm năng để tăng giá. Ngoài ra, thỉnh thoảng nhóm cũng có nhiều chuyến “đánh bắt xa bờ” hơn ở các thị trường ven biển Bình Thuận và khu vực Bảo Lộc của Lâm Đồng.
“Chắc chắn đây là tâm lý chung của các nhà đầu tư, đặc biệt là những người đang có sẵn tiền”, chị Trang nói.
Anh Tuấn, một nhà đầu tư khác lại đang ngắm nghía cơ hội đầu tư ở khu vực Lagi, Bình Thuận. Hiện nay đang có một lượng lớn nhà đầu tư đang rục rịch đổ về khu vực này bởi những thông tin có thể đẩy giá đất ở đây tăng cao trong thời gian tới. Đó là thông tin sắp tới Thị xã Lagi sẽ lên thành phố và tuyến cao tốc Phan Thiết – Giầu Dây sẽ hoàn thành đi vào khai thác từ cuối năm 2022.
Khó có hiện tượng bán tháo, cắt lỗ bất động sản sau dịch
Dù rất háo hức, song các nhà đầu tư đều cho rằng, thị trường bất động sản mở cửa trở lại sau dịch sẽ không có hiện tượng cắt lỗ hay bán tháo như nhiều người nhận định. Sẽ có tình trạng các nhà đầu tư gặp khó khăn buộc phải bán bất động sản để cân đối dòng tiền nhưng họ chỉ giảm chút ít so với lợi nhuận kì vọng để ra hàng nhanh chứ không giảm sâu.
“Cái hay của người có tiền lúc này là sẽ có nhiều lựa chọn hơn, bớt cạnh tranh và có thể mua về những bất động sản yêu thích mà trước đó chủ nhân không dễ bán ra”, anh Tuấn nói.
Đình Dũng, môi giới bất động sản ở khu vực Chơn Thành chia sẻ, những thông tin bán cắt lỗ, phá sản vì dịch phải bán rẻ tràn lan trên các trang mạng gần đây chỉ là những chiêu trò của một bộ phận môi giới muốn tìm kiếm khách hàng. Còn trên thực tế, hiện tượng này xảy ra cực kì ít, thậm chí một số khu vực giá vẫn tăng đều bất chấp dịch bệnh.
Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM cho rằng, giá bất động sản vẫn sẽ giữ mức ổn định trên thị trường trong quý IV/2021, vì vậy các nhà đầu tư không nên kỳ vọng quá nhiều vào hiện tượng bán cắt lỗ.
Ở thời điểm hiện tại, cắt lỗ chỉ xảy ra trong hai trường hợp. Một là chủ đầu tư vay vốn quá nhiều, tiềm lực tài chính yếu. Hai là vị trí bất động sản không thuận tiện giao thông, đồng bộ hạ tầng.