Đó là nhấn mạnh của ông Vương Duy Dũng, Trưởng Phòng Quản lý Nhà - Thị trường Bất động sản, Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) tại toạ đàm mới đây.
Theo ông Dũng, sắp tới Bộ Xây tiếp tục tháo gỡ một số cơ chế, chính sách khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, cố gắng trình Quốc hội sửa đổi, ban hành sớm hơn dự kiến 1 năm.
Bộ Xây dựng đã tổng hợp báo cáo của các địa phương, thấy rằng thị trường BĐS nhìn chung gặp khó khăn, giảm phát cả về nguồn cung và lượng giao dịch. Tổng nguồn cung quý 3/2021 chỉ đạt 60%-70%, lượng giao dịch còn thấp hơn, chỉ 40%-50% so với quý 2/2021 Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn số liệu báo cáo của từng địa phương thấy rằng sự giảm phát của thị trường không đồng nhất ở các địa phương, giảm nhiều hơn ở địa phương đặc biệt như Hà Nội, Tp.HCM.
"Qua đó có thể thấy rằng thị trường giảm phát không phải do nhu cầu mà chỉ là ảnh hưởng ngắn hạn do tác động dịch bệnh tạo nên. Nguồn cung giảm nhưng lực cầu không giảm, đặc biệt giá không giảm. Chỉ có giá cho thuê mặt bằng dịch vụ thương mại giảm tại các địa phương chịu ảnh hưởng dịch bệnh lớn", ông Dũng khẳng định.
Về cơ chế chính sách chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong thời gian qua, theo ông Dũng, rõ ràng doanh nghiệp, nhà đầu tư luôn có sự thích ứng nhanh để duy trì đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Với sự thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp thì chúng ta không có gì phải quan ngại, chỉ có một điểm là sự đồng hành, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, bộ ngành mới là quan trọng.
Thời gian qua, Đảng, Chính phủ, bộ, ngành quyết tâm, quyết liệt phòng chống dịch, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, đầu tư kinh doanh, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Năm 2020 và đầu năm 2021 có nhiều cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị định liên quan. Riêng lĩnh vực liên quan Bộ Xây dựng, đã tham mưu trình Chính phủ hàng chục nghị định tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh bất động sản. Cụ thể, nhóm nghị định liên quan hướng dẫn Luật Xây dựng sửa đổi có Nghị định 06, Nghị định 09, Nghị định 10... tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nhóm nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Nhà ở gồm Nghị định 30, Nghị định 69...
Như vậy, chưa có giai đoạn nào mà thời gian ngắn vậy mà hàng loạt đạo luật, cơ chế chính sách được nghiên cứu sửa đổi nhanh chóng như vậy. Môi trường pháp lý từng bước được tháo gỡ dù còn vướng mắc cần được tháo gỡ tiếp. Ngoài quy định pháp luật ban hành thì công tác tổ chức triển khai, thực hiện của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành cũng rất quan trọng. Ví dụ nghị định về cải tạo chung cư cũ được ban hành chưa được triển khai thực hiện do công tác triển khai thực hiện, tháo gỡ, giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương. Có thể quy định pháp luật sửa đổi tốt rồi nhưng hệ thống pháp luật phức tạp, nhiều đạo luật chi phối nếu không phối hợp tốt thì hiệu quả không đạt 100%.