Sự thất bại của Evergrande và những bài học rút ra

Đăng bởi QTTWL 1 vào lúc 30/09/2021

Câu chuyện về Evergrande không chỉ phản ánh bức tranh thăng trầm của một doanh nghiệp. Đó là một góc nhìn hé lộ mô hình tăng trưởng kinh tế của cả một quốc gia.

Tuần trước, thị trường toàn cầu rung chuyển sau khi tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc Evergrande tiếp tục chìm sâu trong khoản nợ 300 tỷ đô la. Vài năm trước, cổ phiếu bất động sản của Evergrande có giá trị nhất thế giới. Tập đoàn này cũng tham gia vào hàng loạt lĩnh vực kinh doanh khác, từ nước khoáng đến ô tô điện đến chăn nuôi lợn và sở hữu một đội bóng chuyên nghiệp.

Câu chuyện về Evergrande không chỉ phản ánh bức tranh thăng trầm của một doanh nghiệp. Đó là một góc nhìn hé lộ mô hình tăng trưởng kinh tế không bền vững của Trung Quốc, vốn phụ thuộc quá nhiều vào việc đầu tư và vay nợ không ngừng. Mô hình này đã giúp Trung Quốc phát triển vượt bậc, nhưng đang đưa quốc gia này lên đầu ngọn sóng.

Một số nhà quan sát thậm chí còn coi Evergrande là "khoảnh khắc Lehman" của Trung Quốc, ám chỉ sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers đã kéo theo cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế Trung Quốc cho rằng nhận định này đang “làm quá” tình hình thực tế.

Tuy nhiên, thế giới đang trở nên phẳng hơn bao giờ hết và các nền kinh tế có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Do vậy, các nhà đầu tư vẫn lo lắng về tương lai của nền kinh tế Trung Quốc, vốn là một “lò phản ứng hạt nhân” cung cấp năng lượng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cơn sóng tại Trung Quốc, nếu có, sẽ lan tỏa ra toàn thế giới.

Sự việc của Evergrande, vì vậy, cũng cho thấy những bài học quan trọng về tăng trưởng của các quốc gia, nhất là mối quan hệ sâu sắc giữa ngành bất động sản với kinh tế vĩ mô.

Bất động sản là một phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong những năm gần đây được thúc đẩy phần lớn bởi thị trường bất động sản đang bùng nổ. Ngành bất động sản, trực tiếp và gián tiếp, chiếm 29% toàn bộ GDP của Trung Quốc. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi một bong bóng tài sản khổng lồ và số lượng nợ ngày càng tăng.

Trong một giai đoạn, các chính quyền địa phương và trung ương của Trung Quốc đã sử dụng quyền lực của họ đối với nền kinh tế để giữ cho bong bóng này tăng cao. Hệ quả là, các nhà đầu tư và doanh nghiệp đã gánh một khoản nợ khổng lồ để kỳ vọng hưởng lợi nhờ giá bất động sản tăng cao. Bản thân Evergrande đã tích lũy khoản nợ hơn 300 tỷ USD từ các ngân hàng, trái chủ, nhà cung cấp và khách hàng. Nhiều người đã mua nhà trước hàng tháng, thậm chí hàng năm trước khi chúng được xây dựng.

Bong bóng bất động sản đang tạo ra những “thành phố ma”

Bong bóng bất động sản Trung Quốc đã tồn tại nhiều năm nay, khuyến khích ngày càng nhiều người đầu cơ bất động sản thay vì mục đích để ở. Hệ quả là, các tòa nhà và căn hộ chưa hoàn thiện và bị bỏ trống nằm rải rác khắp các tỉnh của Trung Quốc.

Theo ước tính, khoảng 20% ​​tổng nguồn cung nhà ở của Trung Quốc hiện không có người sử dụng. Thời báo Tài chính Trung Quốc cho biết số nhà này đủ để làm nơi ở cho hơn 90 triệu người, tương đương với toàn bộ dân số của Canada, Pháp, hoặc Đức.

Một số dự án bị bỏ hoang, hoàn toàn không có người ở. Nhiều "thành phố ma" mô phỏng kiến trúc của Paris, Venice, và thậm chí cả thị trấn trượt tuyết Jackson Hole tại bang Wyoming, Mỹ.

Chuyển đổi mô hình kinh tế để giảm thiểu rủi ro tài chính

Một trong những điểm khác biệt chính giữa cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande và sự sụp đổ của Lehman Brothers là cuộc khủng hoảng này được thực hiện có chủ đích. Trung Quốc đã nhận thức được những nguy cơ từ thị trường bất động sản.

Năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu rằng: “Nhà xây để ở chứ không phải để đầu cơ”, một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát thị trường này.

Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một chính sách được gọi là "ba lằn ranh đỏ", nhằm mục đích giảm nợ trên thị trường bất động sản và ngăn chặn việc vay nợ liều lĩnh của các nhà phát triển. Đây thực sự là một cơn “đại hồng thủy” đối với thị trường nhà ở vốn lâu nay phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính của Trung Quốc. Nhà sử học Adam Tooze gọi đây là "sự phá hủy có kiểm soát" của bong bóng bất động sản tại quốc gia này.

Nói rộng hơn, Trung Quốc đang theo đuổi các chính sách mới triệt để dưới danh nghĩa "thịnh vượng chung", để chống lại sự bất bình đẳng đang gia tăng ở quốc gia này và can thiệp mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực kinh tế tư nhân.

Vào tháng 7/2021, ông Tập Cận Bình phát biểu rằng muốn đất nước tập trung vào "theo đuổi tăng trưởng GDP thực sự thay vì thổi phồng, từ đó đạt được chất lượng cao, hiệu quả và phát triển bền vững".

Trong khi đó Evergrande, và có thể nhiều tập đoàn bất động sản và kinh tế khác của Trung Quốc, không đại diện cho sự tăng trưởng bền vững này.

Sự thất bại của chủ nghĩa thân hữu

Evergrande được đồng sáng lập bởi Hui Ka Yan và Xu Jiayin, từng là người giàu nhất Trung Quốc. Jiayin có những mối quan hệ tốt. Ông là thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một nhóm cố vấn ưu tú của chính phủ.

Ông cũng có những bước đi khôn ngoan. Jiayin được cho là đã khuyến khích Evergrande mua Câu lạc bộ bóng đá Quảng Châu sau khi ông Tập Cận Bình đề cập việc muốn Trung Quốc có một đội bóng tuyệt vời. Evergrande đã chi hàng triệu USD để mua một số cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất thế giới.

Thời báo New York Times cho rằng các mối quan hệ của Xu Jiayin từng khiến các nhà đầu tư và chủ nợ tin tưởng rằng Evergrande có thể tiếp tục vay nợ và được chính phủ giải cứu nếu mọi việc trở nên tồi tệ. Họ cho rằng Evergrande quá lớn để sụp đổ. Tuy nhiên, vào tháng 8, khi tập đoàn bắt đầu chao đảo, Jiayin đã từ chức Chủ tịch chi nhánh bất động sản của Evergrande, khiến doanh nghiệp này càng thêm khốn khó.

Phần nổi của tảng băng chìm

Tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm gần đây phụ thuộc rất nhiều vào sự mở rộng của ngành bất động sản và tất cả các sản phẩm đi kèm như cơ sở hạ tầng, giao thông, cầu cống. Trung Quốc đã và đang tiến hành hoạt động xây dựng rầm rộ trên cả trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế nói chung.

Quốc gia này đã trải qua ba thập kỷ xây dựng sự giàu có với một tốc độ chưa từng thấy. Trong đó, ngành bất động sản đã sử dụng mô hình “ba cao một thấp” (nợ cao, đòn bẩy cao, doanh thu cao, chi phí thấp) rất rủi ro, kết quả là cầm cố thế chấp để phát triển nhanh chóng.

Vay nợ đã bùng nổ trong nền kinh tế Trung Quốc với sự mở rộng tín dụng bị xâm chiếm bởi các “ngân hàng bóng tối” với mức lãi suất cắt cổ. Các công ty đã vay nợ trong một khoảng thời gian dài trước khi phải đối mặt với nguy cơ gây ra bất ổn cho xã hội, thiệt hại cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực lên các doanh nghiệp cùng ngành.

Sự việc của Evergrande là một minh chứng cho thấy đây là cách làm không bền vững. Một số chuyên gia thậm chí còn cho rằng Evergrande không phải là vấn đề, mà là triệu chứng của một tình huống nghiêm trọng hơn trong nền kinh tế vĩ mô của quốc gia tỷ dân.

 

Tags : bất động sản, Evergrande, nhà đầu tư, thị trường bất động sản
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
icon icon icon
"
"
"
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

"